Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 24/10 đề xuất liên quân quốc tế đang đối phó Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria có thể mở rộng mục tiêu sang Hamas tại Dải Gaza. Đây là lần đầu tiên một ý tưởng về thành lập liên minh quân sự đối phó với Hamas được khởi xướng.
Giới chuyên gia nhận định tuyên bố của Tổng thống Macron đã để ngỏ khả năng quân đội các nước phương Tây tham gia trực tiếp hỗ trợ Israel trong chiến dịch chống lại Hamas tại Dải Gaza,àinghivềýtưởnglậpliênminhquốctếchốty lệ cược như những gì họ đã làm tại Iraq và Syria.
Điều này lập tức gây lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều bên, sẽ nổ ra tại Gaza và lan rộng ra khắp Trung Đông, khi các lực lượng ủng hộ Hamas trong khu vực nhiều khả năng sẽ can thiệp nếu một liên minh như vậy hình thành.
Tuy nhiên, các quan chức Pháp nhanh chóng bác bỏ nhận định cho rằng Tổng thống Macron đang muốn huy động lực lượng bộ binh từ nhiều nước để tham gia chiến dịch tấn công Dải Gaza do Israel phát động.
"Ông ấy muốn áp dụng những kinh nghiệm trong cuộc chiến chống IS và đánh giá biện pháp nào có thể dùng trong nỗ lực đối phó Hamas. Liên quân chống IS ở Iraq và Syria không chỉ tiến hành chiến dịch trên bộ, mà còn tham gia huấn luyện lực lượng Iraq, chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước đối tác và chung tay cắt nguồn tài chính của nhóm này", quan chức giấu tên ở Điện Elysee cho hay.
Liên quân chống IS được Mỹ và đồng minh thành lập hồi tháng 9/2014, với tổng cộng 86 quốc gia và tổ chức tham gia, nhằm hỗ trợ đối tác bản địa ở Iraq và Syria đối phó lực lượng phiến quân Hồi giáo.
IS từng kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở hai nước này và tuyên bố thành lập quốc gia Hồi giáo riêng, nhưng sau đó liên tiếp bị đánh bại trong những chiến dịch tấn công của liên quân quốc tế và quân đội Syria được Nga hậu thuẫn. Sau khi bị "xóa sổ" ở cả Iraq và Syria, tàn quân IS rút về hoạt động ở các vùng sa mạc hẻo lánh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ý tưởng của Tổng thống Macron về một liên quân chống Hamas sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn, khi không giành được sự nhất trí giữa nhiều nước.
"Nhiều thành viên liên quân, như Qatar, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, có quan điểm về Hamas khác xa Pháp. Israel cũng không phải thành viên liên minh chống IS. Khả năng liên minh quốc tế chống IS mở rộng hoạt động để đối phó Hamas gần như không thể xảy ra", Elie Tenenbaum, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nêu quan điểm.
Tenenbaum cho rằng nếu được thành lập, liên minh quốc tế có thể đóng vai trò nào đó trong nỗ lực ổn định xã hội và tái thiết những khu vực bị tàn phá trong chiến sự, nhưng rất khó triển khai quân đến Dải Gaza để tiến hành những chiến dịch như ở Iraq hay Syria.
Renad Mansour, nhà nghiên cứu tại Chatham House, tổ chức nghiên cứu hàng đầu nước Anh, chỉ ra rằng trở ngại lớn nhất với ý tưởng thành lập liên minh là sự ủng hộ của người dân địa phương. Liên quân chống IS từng dựa nhiều vào các lực lượng bản địa tại Iraq và Syria, trong đó nổi bật là dân quân người Kurd, điều rất khó áp dụng với Hamas và Dải Gaza.
"Đó là nhiệm vụ khó hơn nhiều, do Hamas được cộng đồng cư dân tại Gaza ủng hộ. Mọi nỗ lực triển khai lực lượng đối phó Hamas sẽ dẫn đến thương vong lớn cho dân thường", Mansour nhận định.
Xung đột Hamas - Israel bùng phát ngày 7/10 khi nhóm vũ trang kiểm soát Dải Gaza bất ngờ tấn công Israel, khiến nước này đáp trả bằng chiến dịch phong tỏa và không kích quy mô lớn. Sau hơn 17 ngày giao tranh, chiến sự đã khiến hơn 6.400 người thiệt mạng, khoảng 20.000 người bị thương ở cả hai bên.
Israel đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ đến biên giới với Dải Gaza và yêu cầu hơn một triệu người ở miền bắc khu vực sơ tán về miền nam. Quân đội Israel tuyên bố sẵn sàng tiến quân vào Dải Gaza để "xóa sổ Hamas", nhưng chưa nêu thời điểm bắt đầu.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Gaza cho thấy các bên cần phải tìm ra "giải pháp lâu dài" hướng đến hòa bình, không phải bằng vũ lực, mà thông qua việc công nhận nhà nước Palestine tồn tại cùng Israel. "Cách duy nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực kinh hoàng này là giải pháp hai nhà nước", ông Blinken nói.
Giải pháp hai nhà nước được đưa ra giữa Israel và Nhà nước Palestine theo Hiệp định hòa bình Oslo, nhưng quá trình đàm phán đến nay vẫn bị đình trệ. Việc chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối những nỗ lực đối thoại hòa bình với Palestine và khuyến khích người Do Thái xây dựng các khu định cư ở Jerusalem và Bờ Tây được cho là đã làm gia tăng căng thẳng với Hamas, dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Vũ Anh (Theo AFP, Washington Post)